Garmin fenix 7 Series: Đánh giá và trải nghiệm

Garmin fenix 7 Series: Đánh giá và trải nghiệm

Garmin fenix là dòng đồng hồ thuộc phân khúc cao cấp của Garmin. Đây là dòng đồng hồ phổ biến cho giới chạy trail nhờ thời lượng pin khủng, đủ đáp ứng phần lớn các cuộc thi ultramarathon, kèm nhiều tính năng về bản đồ, độ dốc đặc thù cho các trail runner. Ngoài ra, cũng có khá nhiều triathlete sử dụng Garmin fenix vì đồng hồ này cũng có đủ các tính năng ba môn phối hợp hoặc hai môn phối hợp. Phiên bản mới nhất của dòng đồng hồ này là Garmin fenix 7 ((có vẻ Garmin không sử dụng chữ Fenix 7 in hoa nên tôi viết theo như thế luôn), được bán ở thị trường quốc tế từ 19.01.2022 và về thị trường Việt Nam vào ngày 17.02.2022.

Vì có một quá trình sử dụng fenix 5 và 6 lại sẵn tính tò mò, tôi đã liên hệ Garmin Việt Nam xin trải nghiệm Fenix 7 và được cho mượn sử dụng trong khoảng 3 tuần. Sau đó tôi gửi chuyển phát nhanh trả lại Garmin Việt Nam (bằng tiền túi). Vì vậy, bài viết này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân, không liên quan tới Garmin. 

Bài viết này nhằm mục đích mang lại thêm thông tin cho những ai đang do dự định mua fenix 7 nhưng không có điều kiện thử trước. Vì vậy, tôi sẽ tập trung đi sâu vào các tính năng mới của fenix 7 như màn hình cảm biến, Flashlight, Stamina đo sức… Ngoài ra, tôi không bàn tới giá sản phẩm trong bài viết này, do đặc thù ở Việt Nam là giá bán từ các nhà phân phối thường khác với giá niêm yết trên trang web của Garmin.

Ảnh đập hộp Garmin Fenix 7X Sapphire Solar

Giới thiệu các sản phẩm thuộc dòng fenix 7 Series

Chiếc đồng hồ tôi được cho mượn là fenix 7X Sapphire Solar, là sản phẩm cao cấp nhất của dòng fenix 7 Series. Tuy nhiên, để viết bài này tôi cũng phải tìm hiểu trên mạng các sản phẩm fenix 7 khác. Cũng giống như người tiền nhiệm, fenix 7 có cả mê cung các sản phẩm, từ bản thường tới Solar, Sapphire rồi các loại màu sắc, dây đeo khác nhau. Tính sơ sơ, dòng fenix 7 Series có tổng cộng…22 sản phẩm. Tôi xin phép được mượn hình ảnh minh họa của DC Rainmaker để tóm tắt các sản phẩm của fenix 7 Series.

Toàn bộ sản phẩm thuộc dòng Fenix 7. Ảnh: DC Rainmaker

Nhìn chung, để dễ hình dung, dòng fenix 7 Series có ba bộ sản phẩm chính:

  • fenix 7 thường (bao gồm fenix 7S/7): dòng thấp nhất trong fenix 7 Series, chỉ có chức năng thể thao bình thường
  • fenix 7 Solar (fenix 7S/7/7X): giống dòng thường nhưng có chức năng nạp pin từ năng lượng mặt trời (solar)
  • fenix 7 Sapphire Solar (fenix 7S/7/7X): giống dòng solar nhưng có thêm chế độ GPS đa băng truyền, 32GB dung lượng, kính Sapphire cường lực chống xước

Bề ngoài và trọng lượng

Một điều khá bất ngờ với tôi là trọng lượng của fenix 7X nhẹ hơn nhiều so với fenix 6. Tôi đã thử cân và fenix 7X Sapphire Solar nặng 88g (so với Fenix 6 nặng khoảng 93g). Nghe thì vài gram có vẻ không nhiều, nhưng cảm giác đeo lên tay thật sự khác hẳn. Điều này hẳn nhiều runner đã từng dùng qua nhiều dòng đồng hồ đều có thể xác nhận. 

Màn hình cảm ứng

Có lẽ điểm sáng nhất của fenix 7X với tôi là màn hình cảm ứng. Mọi người có thể hình dung như sau: khi bạn chuyển từ dùng Garmin Forerunner 945 (dòng đồng hồ cho triathlete mà tôi luôn dùng) sang fenix 7X thì cũng giống như dùng điện thoại thường chuyển sang iPhone vậy. Đây là một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn.

Tôi còn nhớ trước đây chỉ có dòng Garmin Forerunner 620-630 (phát hành năm 2013-2015) được trang bị màn hình cảm ứng. Nhưng các dòng này cũng nhanh chóng bị thay thế bằng Garmin Forerunner 735 và Forerunner 935. Có lẽ do công nghệ thời đó chưa hoàn thiện, trải nghiệm cảm ứng trên Forerunner 630 không mượt mà nên nhanh chóng bị dừng sản xuất. Hiện nay cũng có hai dòng Garmin có màn hình cảm ứng là Vivoactive 4 và Venu 2 nhưng chúng đều không thuộc phân khúc chuyên thể thao.

Điểm hay ở màn hình cảm ứng này là nó giúp tôi dễ dàng mở và xem thông tin, cũng như di chuyển từ màn hình này sang màn hình khác. Màn hình cảm ứng cũng đi kèm với Watch Face được thiết kế rất tiện lợi: khi ấn vào mặt đồng hồ, Fenix 7X sẽ mở ra các thông số tương ứng, và bạn có thể bấm thêm để xem dữ liệu, hoặc vuốt lên/xuống để chuyển mặt đồng hồ (xem clip dưới đây).

 

Nhưng tác dụng nổi bật nhất của màn hình cảm ứng có lẽ là thao tác xem bản đồ trên đồng hồ dễ dàng hơn nhiều. Các dòng đồng hồ fenix trước đều có bản đồ nhưng phải dùng phím bấm để di chuyển khá khó khăn. Với màn hình cảm ứng, chúng ta có thể kéo sang hai bên, lên xuống để xem bản đồ và bấm hai lần để phóng to, thu nhỏ bản đồ (ví dụ như clip dưới đây).

Kính Sapphire và tính năng Solar

Tính năng Solar là tính năng nạp pin bằng năng lượng mặt trời. Tính năng này có trên các dòng fenix 7 Solar và fenix 7 Sapphire Solar, tương tự như trên dòng Fenix 6 Solar hay Enduro.

Do không có khả năng đo và kiểm chứng thời lượng pin trên sản phẩm nên tôi lại sử dụng thông tin từ anh chàng DC Rainmaker về thời lượng pin. Theo đó, ở chế độ Solar, người dùng fenix 7X Sapphire Solar như tôi có thể sử dụng liên tục từ 42 giờ (chế độ hao pin, đa băng tần) tới 122 giờ (ở chế độ GPS thông thường). Thậm chí với chế độ tiết kiệm GPS, chúng ta có thể sử dụng lên tới…578 giờ.

Thời gian pin của Fenix 7 với chế độ Solar. Ảnh: DC Rainmaker

Đặc điểm khác trên màn hình fenix 7X Sapphire Solar là tấm kính Sapphire có độ bền lớn, có khả năng chống trầy xước khi hoạt động trên rừng, núi. Bản thân lớp kính này cũng được phủ một lớp đặc biệt để hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển thành năng lượng pin. Theo nhà sản xuất, kính Sapphire trên Fenix 7 có thể hấp thụ và chuyển hoá năng lượng mặt trời gấp 3 lần so với người tiền nhiệm fenix 6 (tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng phần lớn năng lượng mặt trời được tiếp nhận nhờ vạch màu tím trên mặt đồng hồ).

Vòng tròn màu tím trên đồng hồ chính là bộ phận hấp thụ năng lượng mặt trời

GPS đa băng tần (GNSS multi band)

GPS có lẽ là chức năng quan trọng nhất của một chiếc đồng hồ chạy bộ. Tôi cũng từng review đồng hồ và sự chính xác của GPS khá nhiều bằng cách review đồ thị GPS trên Garmin Connect sau các buổi chạy. Tuy nhiên, gần đây, kỹ thuật GPS ngày càng tiến bộ và độ chính xác giữa các dòng đồng hồ cũng không chênh lệch quá đáng kể, và để thêm đất review các tính năng khác nên tôi sẽ không bàn nhiều về độ chính xác của GPS trong bài viết này.

Tuy nhiên, cần nói thêm rằng fenix 7 được trang bị GPS đa băng tần, còn gọi là GNSS multi band. Đây là công nghệ mới, giúp thiết bị có thể bắt cùng lúc 2 băng tần GPS (băng tần thấp và băng tần cao), giúp tăng độ chính xác của GPS ngay cả trong rừng.

 

Tính năng Flashlight

Flashlight là một cải tiến mới chỉ có trên dòng fenix 7X (không có trên dòng fenix 7S và fenix 7). 

Flashlight thực chất là một chiếc đèn flash được gắn trên cạnh của đồng hồ. Bạn có nhiều lựa chọn cho chế độ Flashlight. Chế độ phổ biến nhất là khi chạy, đèn phát ra ánh sáng trắng khi tay đánh về phía trước, và ánh sáng đỏ khi tay đánh về phía sau. Dưới đây là hình minh hoạ kèm ảnh thực tế của Flashlight.

Ảnh: DC Rainmaker

Flashlight trên fenix 7X là một cải tiến khác tôi thấy rất hay vì hữu dụng trong thực tế. Mọi người đều biết là ở Việt Nam, runner chạy ngoài đường cùng phương tiện giao thông luôn có rất nhiều rủi ro va chạm. Tôi thường cố gắng chạy trên vỉa hè nhiều nhất có thể. Khi phải chạy dưới đường, tôi luôn chạy ngược chiều xe để chủ động né tránh các phương tiện, đồng thời cũng để các phương tiện thấy tôi từ xa. Có thể nói, chế độ đèn Flashlight phát sáng đỏ, trắng không phải nhằm mục đích để soi đường, mà thực chất là để các phương tiện dễ dàng nhận ra tôi từ xa và tránh va quệt gây tai nạn.

Nói về tai nạn, đặc biệt là trong địa hình rừng núi khi chạy trail, Flashligh cũng có tính năng phát ánh sáng đèn theo tín hiệu mã SOS. Nghe thì có vẻ không quan trọng nhưng trong nhiều tình huống tai nạn trên đường trail, chức năng này sẽ rất hữu ích về đêm để đội cứu hộ nhận diện. 

Các chế độ sức khoẻ khác 

Health snapshot: 

Đây cũng là một tính năng mới, chỉ được trang bị trên hai dòng đồng hồ mới nhất hiện nay là Garmin Venu 2 và fenix 7. Khi bật chế độ này, bạn cần giữ người cố định, không di chuyển trong hai phút. Trong khoảng thời gian này, Fenix 7 sẽ đo một loạt các chỉ số từ nhịp tim, tới nồng độ oxy trong máu, nhịp thở, độ stress và chỉ số HRV (heart rate variability – một chỉ số tim mạch giúp đo sự phục hồi của cơ thể sau một buổi tập nặng). Bạn có thể lên Garmin Connect và xem bản báo cáo Health Snapshot này (hình dưới).

Để dùng tính năng Health snapshot một cách hiệu quả, chúng ta nên đo hàng ngày, vào cùng một điều kiện, ví dụ như tôi thường đo vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy.

Chế độ Stamina

Trong tập luyện, có lẽ điều kỵ nhất là tập không đúng năng lực – hoặc quá nhẹ so với sức hoặc quá nặng so với khả năng – làm tốn thời gian và không hiệu quả. Đó cũng là mục đích của chế độ Stamina trên fenix 7.

Về cơ bản, tính năng này cho thấy chúng ta còn bao nhiêu sức lực trong thời điểm hiện tại và từ đó có thể điều chỉnh buổi chạy cho phù hợp. Lấy ví dụ nếu cơ thể khoẻ mạnh, ngủ và nghỉ đầy đủ thì bạn sẽ bắt đầu buổi tập ở trạng thái Stamina 100%. Sau khi chạy vài tổ interval, chỉ số này có thể giảm xuống 50%, thậm chí là 0% nếu bạn cảm thấy kiệt quệ sức lực. 

 

Chức năng Stamina có hai chỉ số chính. Stamina (Sức chịu đựng-hình trên) là chỉ số khả năng sức có thể chạy ở thời điểm hiện tại. Chỉ số này có thể hồi phục một chút khi dừng nghỉ sau các tổ interval. Chỉ số Potential Stamina (Còn lại-hình trên) là chỉ số sức tiềm năng, tương đương với bạn còn bao nhiêu sức trong ngày (từ đó bạn có thể tính toán phân phối sức cho các bài tập khác trong ngày, hoặc điều chỉnh việc nghỉ ngơi để có thể phục hồi đủ sức lực trong các ngày kế tiếp).

Chỉ số này được tính toán dựa trên chỉ số VO2Max, cùng với các chỉ số khác như nhịp tim lúc ngủ, body battery… Vì vậy, để có chỉ số đúng, chúng ta cần có một quá trình tập kha khá để Garmin thu nhận dữ liệu VO2Max. Và chúng ta cũng phải đeo đồng hồ thường xuyên để có dữ liệu chính xác nhất về tình trạng thể lực của cơ thể. Tôi vẫn chưa có thời gian tìm hiểu sâu hơn về tính năng này. Chắc chắn đây sẽ là thứ tôi theo dõi thêm trong vài ba tháng tới.

Up Ahead và Visual Race Predictor

Một chế độ mới nữa phục vụ dân chạy trail là chế độ Up Ahead. Chế độ này cho phép chúng ta thiết lập các trạm nước hay các Check Point trên đường race (đặc biệt là các giải trail). Hoặc chúng ta cũng có thể thiết lập các vị trí để nhắc nhở việc nạp dinh dưỡng, thay đổi chiến thuật…Rất tiếc là dạo này chưa có race nào nên tôi cũng chưa tìm hiểu sâu về tính năng này.

Tính năng Race Predictor không phải mới. Tất cả các dòng Garmin khác đều có. Tuy nhiên điểm mới ở fenix 7 là ở chữ “Visual”: với các dòng đồng hồ cũ, Race predictor chỉ đơn giản là cho bạn thành tích race ở các cự ly 5km, 10km, HM và FM. Tuy nhiên, trên Fenix 7 bạn có thể nhìn trên đồng hồ quá trình thay đổi của chỉ số thành tích đó trong vòng bốn tuần gần đây. Qua đó bạn có thể thấy quá trình tiến bộ (hoặc đi xuống của mình). Chức năng này giúp bạn dễ hình dung hơn quá trình tập luyện, hiểu thêm về dự báo thành tích và có thể đề ra phương hướng để cải thiện.

Đang xem: Garmin fenix 7 Series: Đánh giá và trải nghiệm